Khái quát tháp chùa tại Việt Nam Tháp chùa Việt Nam

Tháp Bình Sơn là một trong số rất ít tháp còn lại nguyên bản từ thời Trần

Kiến trúc tháp cao tầng là một hình thức quan trọng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam thuở ban đầu, với chức năng nơi tưởng niệm và hành lễ tôn giáo, chứa đựng xá lị sư tăng, mang tính chất đột phá không gian thu hút điểm nhìn từ xa[5].

Đặc điểm kiến trúc

Tháp theo phong cách Ấn Độ ban đầu là một kiến trúc theo chiều cao, không phải theo dạng thức nhà ở, nghĩa là không có khoảng không gian bên trong kiến trúc. Tháp theo nguyên nghĩa vốn là ngôi mộ, tức là bình đồ kiến trúc đặc. Tự ngôi tháp là biểu tượng thờ Phật từ nguyên thủy, được đặt bên ngoài kiến trúc chứ không phải bên trong kiến trúc. Tuy nhiên khi mô hình tháp truyền vào Trung Hoa và vào Việt Nam qua đường Trung Hoa thì hình dáng lại phát triển theo kiểu "kiến trúc nhà", có khoảng không gian bên trong tháp, đặc biệt là mang đặc trưng của kiến trúc lầu các Trung Hoa cổ[2] song vẫn có những nét đặc trưng riêng biệt cùng với kiến trúc chùa Việt Nam.

Tháp thường vươn theo chiều cao, mà không phát triển theo chiều ngang, rộng nơi chân bệ và thân tháp như phù đồ của Ấn Độ và các nước Phật giáo phái Tiểu thừa. Thân tháp thường có đáy hình vuông hoặc lục lăng hay bát giác. Chiều đứng chia ra nhiều tầng theo số lẻ, có những vành mái ngắn nhô ra để nhấn rõ từng tầng của chiều cao. Các vòm cầu của phù đồ đôi khi được nhắc lại trên nóc tháp, hoặc xử lý kết thúc khác đi như một tán lọng hoặc bầu rượu, búp sen[6]

Như vậy có thể chia tháp chùa Việt Nam thành hai loại chính là tháp (tiếng Anh:pagoda) và phù đồ (tiếng Anh:stupa).

Kiến trúc tháp ở Việt Nam đa số là kết cấu gỗ, kết hợp các vật liệu địa phương tự khai thác như đá vân, đá ong, gạch nung, đá hộc. Hình hức kết cấu gỗ với phương thức cổ truyền: chồng rường, gia chiêm hoặc cải biên tùy theo quy mô to nhỏ của công trình cụ thể. Cũng do phương thức sử dụng vật liệu và hình thức kết cấu như vậy, các tháp cổ qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, ngày nay còn rất ít là dạng nguyên sơ, mà phần lớn đã qua trùng tu, sửa chữa nhiều lần để còn tồn tại đến ngày nay[6].

Lược sử tháp chùa tại Việt Nam

Từ khi đạo Phật truyền vào Việt Nam, kiến trúc ngôi Chùa luôn gắn chặt với Tháp. Tháp dần trở thành một trong những loại hình kiến trúc truyền thống với những bản sắc riêng trong kiến trúc cổ Việt Nam, từ những tháp mộ nhỏ đến những tòa tháp nhiều tầng quy mô, bề thế. Nếu như Chùa là loại hình kiến trúc phát triển theo phương ngang thì Tháp là loại hình kiến trúc gây ấn tượng, phát triển theo chiều đứng[7].

Ở Việt Nam hiện nay tồn tại cả hai hình thức là tháp và phù đồ. Tháp chủ yếu xuất hiện trong các chùa Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) ở miền Bắc, trong khi phù đồ xuất hiện ở miền Nam tại các chùa liên quan đến Phật giáo Nguyên thủy (Hīnayāna). Cùng với sự di cư vào miền Nam của nhóm người Kinh, hình thức tháp phong cách Trung Hoa với đặc trưng Việt Nam vốn phát triển rực rỡ ở miền Bắc trong suốt các triều đại phong kiến đã dần xuất hiện ở miền Trung và miền Nam theo chiều dài lịch sử. Các ngọn tháp thường có tên riêng nhưng cũng có khi chỉ được gọi theo tên chùa, nhiều ngọn tháp đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và được ghi lại trong sử sách cũng như các văn tự trên bia đá. Mỗi giai đoạn trong lịch sử trung đại Việt Nam đều để lại những di tích tháp là những kiệt tác về kiến trúc và mỹ thuật.

Các triều đại phong kiến độc lập thời kì đầu của Việt Nam đều là những triều đại tôn sùng đạo Phật, từ nhà Đinh đến tận những đời vua đầu Nhà Lê Sơ đã cho xây dựng rất nhiều chùa và tháp. Tuy nhiên, chính sách tàn bạo và thâm độc của nhà Minh mà cụ thể là cá nhân Minh Thành Tổ trong việc tiêu diệt văn hóa Đại Việt thời Thuộc Minh đã hủy hoại gần như hoàn toàn, không chỉ di sản tháp chùa mà còn toàn bộ những văn tự liên quan (như thư tịch, bia đá) đến hệ thống tháp chùa nguy nga ở Đại Việt. Sắc chỉ bí mật của Minh Thành Tổ ban bố 10 điều cho quân lính tuân theo, đề ngày 8 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) viết:

Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu "Thượng đại nhân, khưu ất dĩ" một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn.
— Lý Văn Phượng, Việt kiệu thư[8]

Hai mươi năm tàn phá của người Minh đã tạo nên một sự đứt gãy về văn hóa, đặc biệt trong phong cách mỹ thuật và kiến trúc đặc trưng Việt Nam được hình thành dưới thời Lý - Trần. Sự áp đặt Nho giáo của nhà Minh cũng đã chấm dứt vai trò quan trọng của đạo Phật trong quản trị nhà nước cũng như dòng tư tưởng của tầng lớp quản lý đất nước ở Việt Nam. Vì thế chùa tháp từ thời Lê trở đi không còn quy mô to lớn và phong cách đặc trưng Việt Nam (với sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm Pa, văn hóa Ấn Độ) như trước nữa.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tháp chùa Việt Nam http://www.tuvienquangduc.com.au/vanhoa/36kientruc... http://www.nhasachkimdung.com/vn/cuu-pham-lien-hoa... http://chimviet.free.fr/lichsu/nguyenhuechi/nhcs05... http://www.baolaocai.vn/du-lich/khanh-thanh-dai-tu... http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/3966/ve-d... http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3101/15... http://tnti.vnu.edu.vn/thien-tinh-mat-dung-thong-q... http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/S... http://dsvh.gov.vn/thap-gom-men-chua-tro-3093 http://honguyenvietnam.vn/book/dai-nam-thuc-luc-id...